Hãy cẩn thận khi chọn dòng nhạc Rap để trình diễn tại trường học

Hãy cẩn thận khi chọn dòng nhạc Rap để trình diễn tại trường học

Kể từ khi ra mắt Rap Việt mùa 1, nhạc Rap nói riêng hay dòng nhạc Hip Hop nói chung bắt đầu nổi lên như một hiện tượng. Nhiều ca sĩ nổi tiếng từ trước đến nay không quan tâm gì đến Rap, nhưng miễn ra nhạc trong thời gian gần đây là đều lồng ghép vào một đoạn Rap nho nhỏ. Các nhãn hàng cũng đã bắt đầu tận dụng triệt để làn sóng này và đưa nhạc Rap vào những chiến dịch Marketing. Đa phần đều rất thành công. 

Ở một khía cạnh khác, Rap cũng bắt đầu len lỏi vào giới học đường. Nhờ sức ảnh hưởng của những Rapper như MCK, G.Ducky, 16 Typh,... Các bạn trẻ trong độ tuổi từ 14-19 giờ đây đã biết đến dòng nhạc này nhiều hơn bao giờ hết. Nhiều bạn còn không ngần ngại “cover" lại những bản Hit của Rap Việt trong các buổi văn nghệ tổ chức tại trường. Nhìn chung đây là một tín hiệu đáng mừng cho nhạc Rap, cũng như Hip Hop Việt Nam. 

Tuy nhiên bên cạnh những tiết mục thành công thì cũng có không ít những câu chuyện “dở khóc dở cười”, bắt đầu từ khi Rap xuất hiện trên sàn diễn học đường. Còn nhớ vào hôm tháng 6 vừa qua, một Group chuyên đăng tin về Rap/Hip Hop Việt Nam có lan truyền bài viết về việc một bạn Rapper trình diễn tại trường học. Tuy nhiên trong quá trình biểu diễn, các khán giả nhí bên dưới không quá “mặn mà" khi thưởng thức tiết mục ấy. Thế là sau khi diễn xong, bạn Rapper nọ đã đăng lại hình trong buổi trình diễn lên Story cá nhân, kèm theo một vài quan điểm cá nhân. Nội dung đại khái là như thế này đây. 


Thông qua những Clip ghi lại buổi trình diễn, ta có thể thấy rằng bạn này khá tự tin vào phong thái cũng như giọng hát của mình. Đây là một điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, hành động đăng tải lại hình ảnh trong buổi diễn lên Story Facebook cá nhân kèm theo một vài lời nói gây tranh cãi là chưa hợp lý cho lắm. Và sự thật, bạn này đã bị khá nhiều anh em trong Group Hip Hop nọ chỉ trích. 

Chung quy lại, nguồn cơn của câu chuyện trên là việc bạn Rapper kia trình diễn và không nhận được sự hưởng ứng của các bạn nhỏ bên dưới. Vậy tại sao lại xảy ra việc này? Không phải nhạc Rap/Hip Hop đang rất thịnh hành, và nhiều bạn học sinh cũng nghe dòng nhạc này hằng ngày đấy sao? 


Lý do thứ nhất có thể kể đến chính là việc bạn Rapper trên đã chọn bài hát với nội dung chưa thật sự phù hợp. Bạn ấy Cover lại bản Hit Rolling của Richie D.ICY & AXTROBOY. Đây là một bài nhạc có chủ đề xoay quanh việc Flexing bản thân - thứ chất liệu quá quen thuộc của nhiều bản nhạc Rap. Việc mang một bài có chủ đề như thế để trình diễn thì làm sao mấy bạn nhỏ hưởng ứng được? Bởi nội dung mà nó thể hiện quá khác so với những thứ có trong cuộc sống của các em ấy.

Lý do thứ hai là bài Rolling chứa đựng rất nhiều ca từ tiếng Anh. Qua Clip diễn của bạn Rapper nọ, ta thấy rằng nhiều em học sinh bên dưới còn mang khăn quàng đỏ. Đồng nghĩa rằng các bạn ấy rất có thể chỉ đang học từ lớp 3 cho đến lớp 9. Mặc cho tiếng Anh giờ đây đã trở nên rất phổ cập, nhưng việc trình diễn một bài hát có nhiều tiếng Anh như thế theo tác giả là chưa hợp lý. Tại sao không trình diễn một ca khúc có ca từ gần gũi hơn? Trong Rap Việt có rất nhiều bài hát chỉ toàn tiếng Việt, thậm chí còn được Rapper của ta lồng ghép vào các ca dao tục ngữ. Nếu chọn những bài hát như thế, dám chắc rằng những bạn nhỏ sẽ đón nhận một cách nồng nhiệt.  

Một điều chưa hợp lý nữa ở bạn Rapper nọ đó là khi không được khán giả ủng hộ, bạn ấy lại trích dẫn trực tiếp hành ảnh tại buổi biểu diễn rồi đăng lên Story cá nhân, kèm theo những lời nói gây tranh cãi. “Hip Hop chỉ thuộc về những nơi mà nó thuộc về" - riêng câu nói này của bạn Rapper kể trên là bị mọi người chỉ trích nhiều nhất.

Theo tác giả, Hip Hop là một lối sống. Một lối sống tích cực, liên tục vượt qua khó khăn và trao dồi bản thân để tiến bộ, để phát triển. Chứ Hip Hop không phải là những bài Rap, mà khi hát ta phải gằn giọng để nghe cho thật chiến, hoặc phải ăn bận cho thật ngầu thì mới là Hip Hop. Câu "Hip Hop chỉ thuộc về những nơi mà nó thuộc về" nghe giống như bạn này đang ám chỉ rằng Hip Hop không thể tồn tại ở môi trường giáo dục. Đây là một luận điểm chưa hợp lý. 


Thôi thì ai cũng có những sai lầm. Từ đó chúng ta mới có thể tiến bộ và phát triển. Riêng với bạn Rapper kể trên, tác giả mong rằng sau vụ việc này bạn sẽ không đánh mất sự tự tin của mình. Việc bạn dám vượt qua những lo sợ bị chỉ trích, bị nói này nói nọ để lên sân khấu trình diễn đã là một tinh thần rất đáng trân quý. Hãy cứ tiến lên bạn nhé. 

Vậy sau câu chuyện này chúng ta rút ra được điều gì?

Thứ nhất, nếu đã chọn dòng nhạc Rap để trình diễn tại môi trường học đường, xin hãy nhớ chọn những bài hát có ca từ và chủ đề cho hợp lý. Phong cách biểu diễn cũng như trang phục cũng cần phải được chú trọng.

Thứ hai là khi đã lên sân khấu trình diễn, hãy nhớ tôn trọng khán giả của mình. Họ là những người đang thưởng thức tiết mục của bạn, nếu họ thấy không hợp, dĩ nhiên họ sẽ không hưởng ứng. Chúng ta không thể nào tỏ ra thích thứ mà bản thân không thích. Đó là một động thái vô cùng tự nhiên của con người. Vậy nên nếu đám đông không hành động theo ý muốn, thay vì thắc mắc tại sao họ lại như vậy, thì các bạn nên đặt ngược lại câu hỏi cho chính bản thân mình. Từ đó tìm ra một câu trả lời thật sự thích đáng. 

Giờ thì cùng xem lại một số tiết mục "Rap văn nghệ" rất thành công mà các bạn học sinh đã biểu diễn. 





Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.