Tại sao ở Việt Nam không còn nhiều người nhảy trên đường phố

Tại sao ở Việt Nam không còn nhiều người nhảy trên đường phố

Có rất nhiều người đặt ra câu hỏi, đã từ lâu không còn thấy nhiều giới trẻ Việt Nam còn nhảy trên đường phố. Một sự thật là rất ít, số ít đó thậm chí cũng không đều đặn, và khi họ xuất hiện thì câu trả lời cũng chỉ là ra đường nhảy chỉ để thay đổi không khí một chút, hoặc lên hình phục vụ cho nhu cầu mạng xã hội của bản thân và đội nhóm.

Hip Hop từ khi ra đời, và bắt lan rộng với các phong cách đậm chất đường phố của nó. Nhưng không dừng lại ở bốn yếu tố ban đầu là DJ, Bboy, Graffiti, Mc/Rap. Trong suốt chiều dài phát triển, Hip Hop tạo nên sự ảnh hưởng phát triển mới của rất nhiều môn thể thao cá tính khác, và từ đó người ta gộp lại thành một thứ văn hóa, đó là Văn hóa đường phố.


Nhưng không vì thế mà nó sẽ mãi mãi phải gắn liền với các không gian ngoài trời để phát triển, những biến đổi cuộc sống, thay đổi của kết cấu hạ tầng đô thị cơ sở, sự chuyển hướng trong suy nghĩ, hành vi sống của con người đã phần nào thay đổi hướng đi của cộng đồng này.

Cũng từ những ảnh hưởng đó, cấu thành câu hỏi như ở đầu bài viết mà nhiều người đã đặt ra, và khi đi sâu tìm hiểu, chúng ta sẽ ngộ ra nhiều nguyên nhân sâu xa hơn nữa, nhằm trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này theo các thực trạng đặc thù của Việt Nam chúng ta.

Vấn đề đầu tiên có lẽ là môi trường đang có nhiều nguy cơ xấu, tổn hại đến sức khỏe, ai cũng dễ dàng nhận ra văn hóa ẩm thực của Việt Nam là văn hóa vỉa hè. Với thói quen của người dân và nguồn lực hiện tại của chính phủ thì việc làm sạch tức thì những không gian có thể nhảy là điều không thể. Do đó, ngay cả khi tập tách biệt ở những không gian lân cận cũng không tránh khỏi ô nhiễm.


Với số lượng xe động cơ phát triển theo nhịp sống công nghiệp như ngày này, đồng thời các quỹ đất dành cho phát triển không gian xanh đang ngày càng thu hẹp. Thì việc mong một ngày nào đó, những người yêu thích nhảy, được tự do tìm thấy một khu vực thoáng đãng trên đường phố là điều xa xỉ.

Thứ hai có lẽ là quy định quốc gia về các hoạt động nơi công cộng, tưởng chừng như đây là sự giám sát khắt khe, nhưng cũng chỉ là yếu tố nhỏ. Quy định này ngày một chặt chẽ do chính những người trong cộng đồng văn hóa đường phố gây nên. Như mọi người thấy nhiều người trong các nhóm nhảy không giữ vệ sinh chung, cố ý sử dụng chất cấm và gây mất trật tự, an ninh công cộng. Đã góp phần đẩy những người nghiêm túc ra khỏi không gian này.

Thứ ba, đó là việc ngày càng nhiều người trẻ tuổi coi nhảy là sự nghiệp và dần họ hình thành các doanh nghiệp kinh doanh mảng ngành này. Các Dance Studio sạch sẽ, an toàn với hình ảnh thương hiệu bắt mắt xuất hiện khắp mọi nơi. Dần nó thay đổi tư duy và kéo những người tập nhảy hình thành thói quen tập nhảy trong phòng tập. Nơi họ có thể họp nhóm, tập luyện, đào tạo học sinh khi cần thiết.


Việc hình thành các Dance Studio, cũng ngẫu nhiên hình thành các kiểu nhảy khác nhau được dạy trong đó, kèm theo nhu cầu của khách hàng đa dạng hơn thì hình thức biểu diễn cũng khác trước. Không chỉ còn Breaking như thời đầu sơ khai nữa. Các kiểu nhảy sau này số lượng nữ Dancer bắt đầu nhiều lên. Chính vì vậy nhu cầu an toàn được tính đến và không nơi đâu làm việc đó tốt hơn là một phòng tập, bởi đơn giản họ không thể thay quần áo ở ngoài, hoặc khó tự bảo vệ mình khi luyện tập trong không gian buổi tối vv.

Ngoài ra, có một vấn đề khá quan trọng liên quan đến việc nhảy ở đâu thì cũng cần khán giả, tuy nhiên ở thời đại ngày nay, công việc bận rộn đã làm Nhảy đường phố mất đi khá nhiều thành phần này. Như ở các nước tiến tiến, tại sao các nhóm nhảy ngoài đường vẫn có nhiều người nán lại xem, bởi họ có thời gian dành cho nó.


Tại Việt Nam một người đi làm hiện tại thường sẽ làm việc khoảng 10-12h/ngày và thường làm khoảng gần 6 ngày/tuần. Hãy tưởng tượng khi họ lướt qua một sự kiện, họ sẽ dành bao lâu để xem nó. Chưa kể Việt Nam chúng ta xử dụng phương tiện cá nhân nhiều hơn cộng cộng. Nên họ không thảng thơi vứt bỏ xe cộ tại đó và vào xem được.

Đã có nhiều ý kiến, giả thuyết nói rằng thực sự Nhảy đường phố đang chết dần bởi không thấy nó xuất hiện nữa. Chúng ta cứ yên tâm, bản chất Hip Hop sinh ra từ đường phố nên nó sẽ không bao giờ chết, nó sẽ phát huy tối đa bản năng gốc của nó nơi nó thuộc về. Những lý do nêu trên cho thấy, một phần nó phải biến đổi vì ý thức của người tập cần thay đổi, một phần nó chỉ chuyển đổi trạng thái tập luyện sang môi trường chuyên nghiệp hơn để tránh các rủi ro về sức khỏe và tâm lý. Còn đối với những người yêu cái vị của bụi đường chắc chắn họ sẽ vẫn chọn đường phố là nơi để phát triển kỹ năng của họ.


Ngoài ra việc truyền thông về Hip Hop hiện nay giống như thức ăn nhanh, đều đang diễn ra trên Mạng xã hội, chính vì vậy mọi người ít thấy nó ở bên ngoài cuộc sống. Tuy nhiên thực tế số người nhảy hiện đã tăng lên rất nhiều, một minh chứng cho thấy sự tích cực của mà thế giới ảo mang lại cho cộng đồng này.

Tóm lại, các nguyên nhân trên không chỉ diễn ra tại Việt Nam, nó là phản ảnh chung trạng thái của Nhảy đường phố trên toàn thế giới. Tuy nhiên nó cũng đồng thời nói lên sự phát triển ở một cấp độ khác, cao hơn, của cộng đồng nhảy Việt Nam. Nhưng cũng một phần của nói lên nếu bạn không ý thức giữ gìn sân chơi của mình, bạn sẽ bị biến đổi, những điều đó nhắn nhủ để Hip Hop chuyên nghiệp hơn trong tương lai tới.

Chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian tới, với sự đổi mới và phát triển của Hip Hop, chúng ta sẽ có thêm những sân chơi thực sự ngoài đường phố để Hip Hop chúng ta có thêm nhiều sự lựa chọn cũng như phát triển với chính nơi mà nó đã sinh ra.

*Ảnh bài viết sưu tầm từ cộng đồng mạng

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.